Cá
Cách 1: Dùng miếng giấy ướt che mắt cá lại để bảo quản từ 3-5h. Lớp giấy ướt giúp cá tươi lâu vì trong thần kinh thị giác của chúng có dây tổ chức tuyến trạng, khi rời khỏi nước, tuyến này sẽ đứt ra khiến cá chết nhanh. Việc lấy giấy ướt che mắt cá kéo dài thời gian đứt tuyến này, giúp cá lâu ươn.
Cách 2: Đổ vào miệng cá vài giọt rượu trắng, để chỗ mát. Cách này giúp cá tươi lâu hơn, thậm chí có thể bảo quản được hơn 3 ngày.
Cách 3: Khi cá có dấu hiệu chết ngạt, không để cá tự chết mà hãy đập đầu cho cá chết tươi. Khi nấu, thịt cá sẽ rắn chắc hơn nhiều.
Cách 4: Pha một chút nước với muối sao cho độ loãng khoảng 2% rồi ngâm cá vào trong nước muối trong vòng 10-15 phút ở nhiệt độ 30 độ C. Vì máu ở phần mang cá mang tính axit đông đặc nên ngâm cá trong hỗn hợp này sẽ lâu bị ươn.
Cách 5: Dùng muối rắc đều lên mình cá hoặc sử dụng một chút giấm đổ vào cá sau đó để nơi khô thoáng. Cách bảo quản này được sử dụng khá phổ biến, giúp bạn có thể để cá trong khoảng thời gian 24 giờ mà không phải lo cá bị ươn hay có mùi tanh.
Cua
Cua chế biến ngay khi mua về là tốt nhất. Còn nếu bạn không chế biến ngay được thì bảo quản như sau:
- Chuẩn bị 1 thùng xốp và đá lạnh.
- Nẹp cuốn bẹ chuối tươi vòng phủ kín mai và bụng cua (khoảng từ 2 đến 5 con), sau đó buộc chặt bẹ chuối và thỉnh thoảng vẩy ít nước vào.
- Cho đá cuống đáy thùng và cho một cái khay hoặc đĩa lên trên rồi mới để cua vào. Tránh để cua trực tiếp vào đá, nếu không nó sẽ chết.
- Đặt thùng xốp ở nơi thoáng mát, tránh phơi nắng.
- Nắp thùng bạn nên hé một chút để có không khí lọt vào và nhớ chặn cái gì đó nặng lên trên để cua không bò ra ngoài được.
- Cua có thể giữ ẩm và để được trong 3 ngày.
Ghẹ
Ghẹ mua về có thể được bảo quản theo cách sau:
- Nếu có hồ, chúng ta có thể thả ghẹ và đổ nước biển, có thể dùng oxi hồ cá để giữ ghẹ sống. Lưu ý thay nước biển ít nhất 2 ngày/ lần nếu không có máy lọc nước hồ cá.
- Trường hợp không có hồ cá thì cho ghẹ vào thùng xốp chứa đá bào hoặc đá đập nhỏ, cố gắng xếp ghẹ vừa khít với đá để ghẹ không cựa quậy được. Khi gần chế biến, thì thả ghẹ ra rổ hoặc thau, tránh thả ngay vào nước, vì có thể làm rụng chân và càng ghẹ. Cách này có thể giữ ghẹ từ 4-6 tiếng.
- Ghẹ tốt nhất không nên để quá 3 ngày.
Tôm hùm, tôm sú
Tôm hùm, tôm sú thì cần thiết phải có nước biển để nuôi, nếu không tôm sẽ không thể sống lâu được quá 3 ngày khi để trong thùng xốp và đắp rong biển.
Hải sản có vỏ cứng
Đối với các loại có vỏ cứng sống nhiều ở môi trường ẩm như ngao, sò, ốc, hàu, tu hài thì bạn nên chú ý không để phần vỏ của chúng hư hao. Vì chúng có thể sống rất lâu trong môi trường ẩm ướt nên bạn chỉ việc cho chúng vào túi vải sạch và thi thoảng tưới chút nước để tạo độ ẩm là được. Bạn có thể giữ chúng sống đến 2 ngày mà không cần bỏ vào tủ lạnh.